14.11.17

nỗi nhớ mùa đông

FB nhắc ngày này năm xưa. Nhưng ngày đó cũng chỉ là một ngày rất rất xưa được repost. Chỉ là một đoạn ngắn, trong rất nhiều của những viết lách liên tục những ngày đó còn rơi rớt lại. Đã có lúc cứ tưởng như sẽ còn mãi, nhưng tất cả đều nhạt nhòa theo thời gian, và gần như đã biến mất khỏi kí ức.

======

Lâu rồi tôi không viết gì cả. Khi người ta nhận ra điều đó cũng tức là người ta đang có chút gì như là cảm giác ăn năn, tội lỗi. Kết quả tất yếu là người ta sẽ kiếm một vài thứ nào đó để đổ lỗi. Lần này “nạn nhân” của tôi là thời tiết. Vâng, người ta hay nhắc đến câu “người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ”, nhưng cảnh buồn, lại kéo dài ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, thì đến gỗ đá cũng mòn nữa là người.

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 – những ngày ngắn nhất trong năm. Trời không mưa gió bão bùng, đường không ngập tuyết trắng xóa … túm lại là không có cái gì quá ly kỳ rùng rợn hay hoành tráng cả. Mưa lất phất, gió thoảng chút, trời mờ mờ sáng tối lẫn lộn. Tất cả cứ nhạt nhòa lãng đãng. Vài tiếng ngắn ngủi của cái gọi là “ngày” này chỉ đủ để phơi ra những chiếc lá hiếm hoi không rõ màu vàng hay màu nâu còn sót lại giữa những cành cây khẳng khiu như chùm rễ cây chổng ngược lên bầu trời u ám. Đường phố vốn đã vắng người, đến cuối tuần lại càng vắng vẻ. Gió có mà như không, những hạt mưa nhẹ như là không rơi xuống được tới mặt đất … Cảm giác buồn buồn vắng lặng của một ngày cuối năm, của một buổi chiều 30 Tết.

Ừ thì cũng đúng. Sắp đến ngày Sinta Klaus của dân HL rồi còn gì …

Mấy ngày nay tôi nằm mơ hơi nhiều, ngủ cũng nhiều. Ngủ và mơ, tỉnh và thức, lẫn lộn. Có một nỗi nhớ, cũng như thời tiết mùa này, không quay quắt, không khát khao, mà cứ lúc ẩn lúc hiện, cứ chập chờn mãi. Tôi nhớ về một thành phố mà tôi chưa từng đặt chân tới. Đúng hơn là tôi đã qua một lần, rất ngắn trong quá khứ, rất xa, thành phố tôi chỉ được nhìn thật kỹ qua Google Earth gần đây. Có một con sông chảy qua, những con phố bao quanh hình xương cá như bao thành phố tôi đã từng qua. Những con đường vắng vẻ phủ đầy bụi đỏ, những mái nhà nhấp nhô, những dãy phố đan xen, nối tiếp gối vào nhau lúc đi lên lúc đi xuống. Có những lúc, cảm giác như là khi dùng tính năng zoom của Google Earth, tôi thấy mình lướt đi rất nhanh, dọc ngang theo cái bản đồ như là tôi đã từng sống ở đó từ kiếp trước vậy. Lúc khác, tôi như bị thu nhỏ lại, hút vào trong một cái quảng trường thân quen — ở đó cũng có một cái rạp chiếu phim ngoài trời, có những dãy nhà cũ kỹ với tường gạch vôi vữa bong ra từng mảng, những ngõ nhỏ sâu hun hút chẳng biết dẫn tới đâu, có vài chiếc ghế kẻ đứng người ngồi bên gốc cây, có một dãy cột không hiểu để làm gì, có một ông lão tay cầm gậy, lơ đãng đứng nhìn bà lão chơi cùng với cháu. Dường như mỗi điểm trên tấm bản đồ của một thành phố chưa đến đó lại là một bức mosaic của những mảng ký ức nào đó chắp vá lại.



Tôi nhớ những con phố. Không phải là nỗi nhớ quí phái như trong bài “Hà Nội phố” của Phan Vũ, không gắn với một người, một cảm xúc gì quá lớn. Nhớ những người xa lạ đi trên phố, nhớ những bước chân, những nụ cười, những ánh mắt chẳng dành cho tôi. Tôi nhớ bụi, nhớ nắng, nhớ vẻ trẻ trung vội vã của đường phố Sài Gòn. Nhớ cảm giác chầm chậm ngơ ngác, vừa lạ vừa quen của Huế. Nhớ những mảng màu sắc rực rỡ của quần áo phơi ngoài trời in trên nền những mảng tường cũ kỹ ở Venice, như muốn nhắc nhủ rằng thời gian có thể đã in dấu cả nghìn năm, nhưng vẫn có những trái tim đang đập, những đời người ngắn ngủi đang hiện hữu và quay vòng ở đây.

Ngoài kia trời tối đã lâu lắm rồi, cũng chẳng biết khi nào trời sẽ sáng. Mà trời sáng thì cũng có khác mấy đâu … Cảm giác kỳ lạ của một buổi chiều 30 Tết vẫn còn đó. Buồn buồn trong lúc nhìn một năm dần trôi qua như những que hương cháy nốt, nhìn những con phố bị người bỏ rơi trong chốc lát, và biết chắc là chỉ vài tiếng nữa mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn. Bây giờ ở đây thì tôi nhớ về những con phố nơi khác, những con phố đã qua và sẽ qua. Tôi biết chắc rằng, sẽ có lúc, ở một nơi nào đó, tôi sẽ nhớ về hôm nay, về những hàng cây im lìm xơ xác, những con đường vắng vẻ lất phất mưa ngoài kia …

7.7.17

Back to Delft 2017

Một chặng bay xuyên đêm dài dằng dặc. Một đoàn tàu chạy ngang châu Âu. Dần dần mọi thứ hiện ra quen thuộc. Những đồng cỏ xanh rì phóng hết tầm mắt, những con mương mà mặt nước cao hơn mặt đường. Những ngôi nhà gạch trần, mặt trước là hình nón bậc thang, với những ô cửa kính to hết cỡ để đón mặt trời, cùng một khoảnh sân nhỏ trồng cây cảnh và hoa. Bên hông nhà thường là một chiếc thuyền / ca nô nhỏ in bóng lên dòng nước. Lác đác có người thong thả đạp xe thấp thoáng sau những rặng cây với thùng chứa đồ to đùng. Rồi có ai đang chạy bộ xuyên qua bãi cỏ, theo sau là một con chó lông xù đuôi vẫy tíu tít.

Hà Lan đó. Chuyến đi châu Âu này nằm ngoài dự định. Tôi có lẽ đã ko quay lại Hà Lan / Delft nếu như ko bị "bắt" phải về.  Cuộc sống hiện tại bộn bề với cả núi công việc, cả núi những thú vui và những điểm đến đang đợi phía trước ...

Chuyển sang đoàn tàu xanh / vàng quen thuộc ở ga Amsterdam Centraal, sau chừng 1 tiếng nữa thì tôi đứng đợi ở Den Haag HS. Ngày xưa, trừ ga Delft quê nhà ra thì Den Haag HS là ga mà tôi hay đi qua và hay dừng đợi tàu nhất. Một khoảng không rộng lớn với mái vòm trên cao mà chỉ có lác đác vài người nếu như không phải giờ cao điểm. Đâm ra lúc nào ở đó tôi cũng có cảm giác như đang đợi thêm một ai khác, một điều gì khác. Thời gian và không gian luôn là một thứ gì, quá đỗi dài và rộng, trùm lên mỗi một con người. Di chuyển gần nửa vòng trái đất, đứng ở một điểm mà nhớ về mười năm và như cả ngàn năm trước. Thấy mình bé như hạt cát, bồng bềnh nổi trôi giữa những cơn sóng.

Delft. Những con kênh, những con đường lát gạch, những căn nhà gạch, những lối nhỏ đi bộ. Vẫn tuyến đó xe đạp nối tiếp nhau chạy vèo vèo từ trường tới ga. Vẫn mặt đá hình tròn nằm giữa quảng trường trung tâm có chỉ về 4 hướng Đông Tây Nam Bắc. Trái tim màu xanh. Ghế băng dưới gốc cây để ngồi ngắm East Gate lúc hoàng hôn. Các ông bà già bán mãi không hết gốm Delft Blue ở chợ đồ cũ thứ Bảy hàng tuần. Ngã tư đường vào trường, một cái cột, chẳng hiểu để báo hiệu cái gì,10 năm rồi vẫn đứng nghiêng nghiêng như sắp đổ. 

Mười năm. Mười năm khiến nhiều hàng cây trăm năm ở HN bị đốn gục. Mười năm đó bao nhiêu ngôi chùa cổ kính rêu phong đã "được" làm mới. Mười năm là bao nhiêu tòa nhà mọc lên, bao nhiêu người dân bị mất đất, tù tội ở VN. Mười năm có bao em bé được sinh ra, bao người thân đã đi xa. Vậy mà nơi đó, mười năm cứ chỉ như mới ngày hôm qua. Vẫn im lìm nép bên Binnenwatersloot là cửa hàng bán băng đĩa nhạc cổ điển mà mỗi khi đẩy cửa là có tiếng chuông kính coong vang lên. Báo hiệu thời gian ngừng lại? Mặc cho các cơn lũ iPhone / iPod, Amazon, Google tràn qua. 



Không phải là đi du lịch. Tôi không tìm những địa điểm mới, không đến những chỗ nổi tiếng, không "been there done that". Chỉ đơn giản là một chuyến về quê. Về để cảm nhận lại, và rõ ràng hơn, cái vị tươi, ngậy và bùi của cá haaring sống. Để nằm nghe mùi ngai ngái của cỏ non trên nóc thư viện mà đầu không lo lắng chuyện thi cử, mà tim không khắc khoải nhớ tới một ai khác, một nơi khác. Để tay chạm vào từng viên gạch xưa, từng tấm kính màu cũ. Để chân bước theo từng lối đi không biết sẽ tới đâu. Để cảm nhận sâu hơn về nét vẽ, chất men trong những đĩa gốm mà lâu nay cứ nghĩ là Bát Tràng hàng loại hai. Để thấy rằng người đi tàu hóa ra không cắm mặt vào smartphone, mà họ nói ít hơn, nghỉ, thậm chí là ngủ nhiều hơn trên tàu. Dường như sau một ngày làm việc vất vả, tiếp xúc với quá nhiều người, họ không muốn phá đi nốt chút riêng tư, chút thư giãn còn sót lại bằng cách nhảy vô cái "social network" nào đó khác? Các "living patterns" rõ ràng là đang hiện hữu nơi đây, nhiều nữa là khác, nhưng tôi lại không thể diễn tả rành mạch được hết. Thôi thì để dành cho lần sau :-)


Chắc là có lần sau. Hay là không? Không quan trọng. Nếu có quay lại, một nơi tưởng chừng như quá quen thuộc và không bao giờ thay đổi đó với tôi vẫn luôn tràn ngập những điều mới mẻ, thú vị. Hoặc tận hưởng cuộc sống - như là lúc tôi nằm dài trên thảm cỏ xanh ở nóc thư viện, 9h tối, nhìn nắng chiều vàng óng thấp dần theo từng giây xuyên vào bên trong những tòa nhà kính, và đàn chim vẫy cánh bay đi trên đầu những ngọn cây.  Nếu không quay lại nữa, thì chừng đó năm tháng của tuổi trẻ là quá đủ. Có ngờ nghệch và lơ đãng, có vật vã và rồ dại, có tràn ngập những khiếm khuyết và tiếc nuối, nhưng tất cả đều đã cháy hết, gom hơi ấm đi theo tôi trong suốt cuộc đời. 

23.2.17

Đọc sách xong rồi thì nên cho sách đi

Chiều nay tôi ra Đinh Lễ mua cuốn Enzyme tặng mẹ vì đang đọc thấy hay (và được vợ gợi ý). Cầm sách rồi tôi tần ngần gần tiếng bên trong cửa hàng, giữa những lối đi chật hẹp và những chồng sách cao chất ngất. Toàn sách hay đông tây kim cổ, toàn các tác giả nổi tiếng, trình bày in ấn đẹp, kiến thức văn thơ phong phú kiểu gì cũng có. Ấy vậy mà cuối cùng ra về vẫn chỉ có một cuốn đó trên tay. Cảm giác ... chả có cảm giác gì cả. Ngạc nhiên chưa?

Ngày xưa tôi đã từng lên plan đọc bao nhiêu sách một năm một tháng, tôi cũng trendy nọ kia lắm, đọc review tùm lum rồi lên danh sách to-read to-buy dài ngoằng (mà chả bao giờ hoàn thành được). Lâu lâu mà không đọc sách là sẽ thấy tội lỗi ghê gớm. Rồi mỗi lần vào cửa hàng sách, ít nhiều tôi phải cầm vài ba cuốn đi ra, dù có thể chẳng biết bao giờ sẽ đọc hết. Vui mua, buồn mua, chả vui chả buồn cũng cứ mua. Tâm lí kiểu như này. Rằng sách là một thứ gì đó cao quí, mua sách giống như đầu tư lâu dài cho tâm hồn, trí tuệ nên chẳng bao giờ thiệt đâu, đừng tiếc tiền! Rằng đến như quần áo, đồ ăn uống và bao nhiêu thứ xa xỉ khác mình còn bỏ tiền tiêu nữa là. Rằng cứ mua về để đó, giờ chưa đọc nhưng biết đâu sau này mình sẽ đọc, hoặc vợ / chồng, hoặc bạn bè người thân mình đọc. Rằng sách bầy lên giá nhìn cũng đẹp đấy chứ, rằng nhà phải có nhiều sách thì mới sang. Rằng kinh điển như thế thì cũng nên tàng trữ trong nhà, để con mình sau này lớn lên còn có cái để đọc. Vân vân và vân vân. 

Quả có nhiều nét giống như người mới thoát khỏi nạn đói. Lúc nào cũng muốn tích trữ thóc gạo trong nhà, dù có thể khiến cho gạo bị mốc mọt. Bước vào bữa tiệc buffet thì dù đã no, dù không thích nhưng vẫn cố nhồi nhét vào bụng càng nhiều càng tốt. Thóc gạo còn thế nữa là một thứ như sách, phỏng ạ?

Ngày xưa (hồi lâu lắm rồi chả nhớ) chẳng có sách để đọc nên vớ được cuốn nào đọc ngấu đọc nghiến cuốn đó, bất kể hay dở, bất kể có hợp với tuổi hay không. Rồi giữ sách như giữ vàng. Đóng dấu cho khỏi thất lạc. Còn bây giờ sách có ở khắp nơi, ngay cả những thứ tưởng như được in số lượng hạn chế cũng chỉ là chiêu trò PR của các công ty sách, nếu muốn đều có thể có được, mà chẳng mất quá nhiều tiền. So với những giá trị mà một cuốn sách đem lại thì giá tiền, dù có vẻ đắt, cũng chẳng đáng gì. Đấy là còn chưa kể đến ebook. Thời đại này đâu thiếu thông tin, thiếu sách, thừa nữa là khác; chỉ có là không biết nên đọc cái gì, vào khi nào. Mỗi lần đọc một cuốn sách với tôi khi đó giống như là một mối duyên phận, may mắn tình cờ lắm mới đến được với nhau :)

Do vậy, bây giờ 90% sách trên giá của tôi là không cần thiết nữa. 

Nếu sách hay và đã đọc kỹ rồi thì nhiều khả năng tôi sẽ không đọc lại nữa, ít nhất là trong vài tháng / vài năm tới. Cho nên nó xứng đáng được truyền tay sao cho càng nhiều người đọc càng tốt. Chắc đấy cũng là số phận tốt đẹp nhất của mỗi cuốn sách, thay vì được đọc một lần rồi im lìm nằm mốc meo trên giá. Ngay cả nếu sau này tôi thích nó tới mức muốn đọc lại thì nó cũng xứng đáng được tôi tìm mua mới ở ngoài hiệu sách. 

Nếu sách dở hoặc không hợp với tôi thì nó càng không nên ở trên giá sách của tôi. Nó cần rời đi, hoặc đến được tay ai đó phù hợp hơn.

Còn sách có vẻ hay, sách kinh điển mà tôi chưa đọc thì sao? Nếu nó đã nằm trên giá sách vài tháng, vài năm thì nhiều khả năng nó cứ nằm ở đó mãi, mà chẳng bao giờ được tôi mò đến. Tất nhiên là tôi chả ngớ ngẩn tới mức trưng bày những sách chưa đọc cho đẹp giá sách. Và tôi cũng chẳng muốn giữ lại sách chỉ để cho bạn bè cả năm may ra đến chơi một lần mà nhiều khả năng là chẳng thèm ngó ngàng gì tới chúng. Con cái khi đủ tuổi thì nếu thích đọc nó cũng sẽ tự biết cách tìm được đến nguồn sách để đọc, bố mẹ được đưa tiền cho con mua sách lại chả mừng hết cỡ. 

Vậy đó, từ giờ tôi sẽ cho dần đi những cuốn sách mình đang có. Không bán, vì bán thì sẽ hạn chế số lượng người có thể đọc được mỗi cuốn sách. Mà gọi là "cho" cũng không đúng. Không phải là tôi đang ban ơn cho người kia, đúng là họ không phải trả tiền, nhưng họ cũng giúp tôi có thêm khoảng không trong nhà, giúp tôi nâng thêm giá trị của cuốn sách, và trên hết, kiếm được một người cùng đọc cùng thích một cuốn sách của mình chẳng phải may mắn và thú vị lắm sao!

Chỉ hơi tội cho nhà văn, và NXB. Nhưng liệu có bao nhiêu người đang làm giống tôi nhỉ? Chắc là in ít thôi. Nhà văn chắc cũng muốn tác phẩm của mình tới được nhiều người. NXB thì chắc chắn không vui rồi, tôi cũng chả biết làm sao. Nên chăng mỗi người khi nhận một cuốn sách free thì bỏ ra ít tiền nộp vào quĩ ... xuất bản sách hoặc quĩ ủng hộ nhà văn trẻ chẳng hạn?


Một giá sách đẹp với tôi bây giờ chắc sẽ là một giá sách có nhiều ngăn trống. Ngoài một số rất ít sách giữ lại vì kỉ niệm, vì quá khó để có lại, vì quá ấn tượng, thì sẽ chỉ có cũng rất ít sách đang được đọc và đang chờ được chuyển đi cho người khác. Khi đó, cho tức là nhận, và, less is more, and empty space is beauty + full!

18.1.17

Tuổi gì mà đòi uống trà?

Lâu nay, tức là từ nhỏ cho tới gần đây, tôi vẫn nghĩ việc thưởng trà là của các cụ. Vậy mà kể từ khi nghiêm túc tìm hiểu về trà, tôi chưa gặp bạn trà nào ở ngoài đời mà lại già hơn tôi (tôi mới 17t thôi nha :D). Rồi xem trên youtube hay đọc trên web, lại hay gặp mấy bạn Tây mắt xanh mũi lõ trẻ trung kì dị như rocker nói về trà chứ chả bao giờ thấy một ông cụ tiên phong đạo cốt râu tóc bạc phơ cả. Ví dụ như hai cậu này ở Tea DB, hoặc hai bạn này uống trà Nhật ngon vãi, hoặc già lắm cũng như bạn Akira Hojo chuyên bán trà ngon, ấm đẹp này. 

Lạ chưa? Tại sao lại thế nhỉ? Tại đọc Nguyễn Tuân? Hoặc cũng có thể có liên quan tới hình ảnh các thiền sư uống trà, mà thiền sư thì phải già lụ khụ, nhể? :D Thực ra thì uống trà chắc có liên quan nhiều tới việc giúp cho giữ được tỉnh táo khi ngồi thiền hơn là việc "làm hàng" hay "tạo dáng".

Mà nghĩ kỹ thì cũng ko lạ lắm, rất có lý nữa là khác. Già rồi mà uống trà thì chỉ tổ phí trà thôi! Mắt không nhìn rõ màu nước, màu trà, mũi không ngửi được hương, lưỡi không nếm được vị. Như vậy trà có ngon, có tinh tế thì cũng chỉ như đàn gảy tai trâu. Chưa kể một số loại trà và cách pha đòi hỏi phải có thao tác nhanh và chính xác, mắt mờ tay run lập cập đụng vô thì rơi vỡ khắp nơi, rót xong nước ra khỏi ấm thì trà cũng đã mất ngon rồi. Có lẽ các cụ chỉ phù hợp với kiểu pha trà chát "truyền thống" của VN, tức là cầm cả vốc cho vô ấm, đổ nước nóng tới đâu ko rõ vào, rồi cứ ngâm trong ấm vô thời hạn, lâu lâu lại rót ra làm một chén ...

Đấy là nói về khả năng thưởng trà, vốn không ưu đãi gì tuổi tác. Tiếp theo là tác dụng của uống trà thì người trẻ cũng sẽ có được nhiều lợi ích hơn. Uống trà "nhạt" nhiều không chỉ giúp ... uống trà tốt hơn, mà nó còn cải tạo vị giác nói chung. Có nghĩa là khi đó ăn và uống những món khác đều tinh tế hơn nhiều, tới một mức nào đó còn có thể giúp phân biệt được thực phẩm sạch / bẩn chưa biết chừng. Bên cạnh đó, nhịp sống bận rộn lại cần có trà để cân bằng lại tinh thần và sức khỏe, giúp tăng khả năng tập trung và sáng tạo trong công việc rất nhiều. (Google đi, đừng lười!)

Cuối cùng, để thưởng được trà có cầu kì phức tạp mất thời gian quá không? Nếu bạn có thể tự nấu ăn, tự làm bữa sáng, tự pha cocktail hay tự pha bất cứ thứ đồ uống thời thượng nào khác thì pha một ấm trà đơn giản hơn nhiều. Khi đã có sẵn nước sôi thì tôi không bao giờ mất quá 5 phút để có được ngụm trà đầu tiên (thông thường sẽ chỉ cỡ 1 phút). Hãy thử nhìn bạn này pha Phổ Nhĩ thì biết. Tập trung độc ẩm thì cả tuần trà chỉ mất khoảng 30 phút cho khoảng 4-5 nước, vậy là quá đủ. Còn gặp gỡ bạn bè mà có thêm trà thì thôi không tính thời gian nữa nhỉ, lúc đó uống bao nhiêu trà có khi cũng chả nhớ ;)



Thế đó, nếu bạn đã già rồi thì cũng nên cố thử uống trà nhạt vài lần đi, biết đâu may mắn gặp được thần tiên trên đời. Còn nếu bạn còn trẻ, chưa cằn cỗi hoặc chưa bị mắc kẹt trong định kiến thì hãy sống gấp đi, còn chần chừ gì nữa mà ko ... thưởng trà :P

Theo thông lệ, quote ở cuối bài một đoạn ... rất liên quan  ;)

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu // Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù // Xin chân em qua từng phiến ngà // Xin mây se thêm màu áo lụa // Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ. - TCS

12.1.17

Uống trà ngon sao cho thấy ... ngon?

Tôi đã muốn viết một bài, rằng uống trà không khó. Ý nói là dụng cụ, cách pha sao cho được chén trà ngon trong hầu hết các trường hợp là không khó chút nào. Nhưng để uống được trà ngon mà vẫn thấy ngon (mà không thấy nhạt nhẽo :D) thì lại không đơn giản. Khi đó dù mua đồ xịn, trà xịn, và pha cho đúng, phỏng có ích gì?

Theo thói quen thì từ khi mon men biết thưởng trà, cũng giống như mỗi khi ăn uống được món ngon, tôi muốn kể về trà và muốn mời bạn bè người thân mình tham gia cùng. Tôi đem những loại trà ngon nhất đang có, pha theo cách tôi cho là phù hợp nhất, và mời họ uống. Khỏi nói cũng biết nhiều lúc tôi đã thất bại thảm hại như nào. Hóa ra tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng, dù ai có uống trà dở tới đâu, nếu người ấy được một lần uống trà ngon, thì họ sẽ biết và sẽ thay đổi. Vấn đề không đơn giản và rõ ràng như khi đang ở thành phố ô nhiễm ngột ngạt, về quê về núi về biển không khí trong lành là biết liền. 

Việc cảm nhận được cái ngon của trà, được hương vị của nó hóa ra lại phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người uống. Với trẻ con (như hai đứa nhà tôi), khi chỉ quen ăn đồ nhạt, quen uống nước trắng, thì việc cảm nhận trà nói riêng và của ngon vật lạ nói chung lại đơn giản hơn rất nhiều. Chả trách người ta hay nói trẻ con khôn mồm. Chỉ vì mồm của chúng chưa bị bao nhiêu loại hóa chất và bao nhiêu thói quen xấu phá hỏng! Cũng tương tự đối với mắt nhìn (trong nhiếp ảnh, hội họa), tai nghe (trong âm nhạc) và cả suy nghĩ. Tới một mức nào đó là người ta sẽ cần tìm lại sự tĩnh tại, trong trẻo, để cho các giác quan cũng như trạng thái tinh thần được hoạt động tốt nhất, sáng tạo nhất. Uống trà cũng thế, nếu không làm sạch và tìm lại được vị giác ban đầu thì khó có thể cảm nhận được cái ngon của trà, chưa nói đến việc phân biệt hương vị, rồi các thứ như body hay aftertaste nọ kia khác.

Việc tìm lại vị giác ban đầu (hay còn gọi là cải tạo vị giác) của mỗi người sẽ một khác, phụ thuộc vào việc vị giác của họ đã bị "hỏng" tới mức nào, định kiến nặng nề tới đâu, phụ thuộc vào sự cởi mở về quan niệm, sẵn sàng thay đổi, sự tìm tòi và khao khát tới đâu của họ nữa.



Vậy tôi đã cải tạo vị giác của mình như thế nào? Chắc là khá may mắn. Đầu tiên, tôi vốn thích nhạt, thích ăn uống những món ít tẩm ướp pha chế. Lâu rồi tôi cũng không dùng những thứ kiểu như nước ngọt đóng chai, cả cà phê (trước khi quay lại với trà) tôi cũng đã hạn chế uống cà phê "đắng" ngoài hàng. Đồ uống ưa thích của tôi là ... nước trắng. Tuy nhiên tôi lại không biết thế nào là "trà ngon" vì ban đầu chẳng có ai pha hay giới thiệu cho. Nhưng tôi lại có tình yêu rất lớn với cuốn "The book of tea" (cả "In praise of shadow" nữa). Tình yêu đó là giúp tôi gần 6 tháng liền uống matcha mỗi buổi sáng. Thời gian đầu tôi chỉ uống matcha loại dùng để chế biến vào đồ ăn / uống, và rót trực tiếp nước sôi nên thú thật nước trà khá là đắng chát. Tôi lại vốn thích đồ đắng nên chẳng vấn đề gì, với lại uống ào một cái thì cũng xong, và sau đó là cảm giác tỉnh táo sảng khoái do cafeine đem lại. Có một lần vợ đem về một hộp matcha nhìn có vẻ xịn, và tôi đã lấy ra pha. Kết quả là thơm nõn nà và ... ngọt hơn nhiều. Trà mà lại ngọt, không phải ngọt đường mà ngọt kiểu cỏ cây xanh mát, wtf! Quả là một "phát hiện" lớn lao! Từ đó tôi đọc thêm (chút xíu thôi) về cách pha matcha để biết rằng không được đổ nước sôi vào trà như thế, và kết quả là trà lại càng thơm ngọt và ngon hơn. Có lẽ đấy cũng là lúc vị giác bắt đầu có thay đổi.

Nhưng matcha, dù có pha đúng cách, vẫn quá đậm và dày so với các loại trà nhúng (matcha được xếp vào loại whipped tea - tức là được nghiền thành bột và khi uống phải dùng chasen đánh tung bọt lên; còn bây giờ chúng ta uống steeped tea - tức là để nguyên lá và nhúng trong nước).

Lần này tôi có được sự giúp đỡ của một người bạn thân lâu ngày. Cả một buổi chiều tại XT, Hưng đã cho tôi biết được cách pha (cụ thể là nhiệt độ và thời gian) ảnh hưởng tới trà như thế nào, đã cho tôi biết sự đa dạng về hương vị (tất nhiên là thơm ngon) của trà tới mức nào. Cũng may là lúc đó vị giác của tôi đã được cải thiện đáng kể, nên dù không trọn vẹn, tôi cũng đã biết được sự kì diệu của trà, biết được thế giới đó phong phú đa dạng tới mức nào. Chén đầu tiên là trà được pha ở nhiệt độ cao, ngâm lâu - vị đắng quen thuộc như bao năm dân ta vẫn quen dùng, nhưng cũng không tệ so với tiêu chuẩn của tôi lúc đó. Tôi nhớ mãi chén thứ hai ngay sau đó, khi mà trà được rót ra gần như ngay lập tức sau khi rót nước nóng vào, một cảm giác thần tiên bay bổng khó tả, hương vị của trà nổi lên, xanh tươi nõn nà, khiến cho tôi phải ví von rằng đó như một cô gái đang xuân so với sự già đắng già chát của chén trà trước. Từ đó tôi đã biết rằng mình sẽ chỉ có đi tiếp con đường này, sâu hơn và rộng hơn, chứ không bao giờ quay trở lại với cách uống trà cũ nữa.

Quá trình cải tạo vị giác được đẩy nhanh lên cùng với sự tăng của tần suất và cường độ uống. Mỗi ngày 2-3 tuần, mỗi tuần trà có khi cả chục nước hoặc hơn (đối với ôlong). Bắt đầu từ trà xanh, rồi tới ôlong Việt (vốn có hương vị khá đậm cho phù hợp với người Việt). Bắt đầu từ kiểu pha bấm giờ (western style) khiến cho ngụm trà dày đậm, cho tới kiểu pha gongfucha làm nổi mùi hương và sự tinh tế của mỗi ngụm trà mỗi lần pha. Vậy mà cũng phải mất thêm chừng 3 tháng nữa thì tôi mới thực sự cảm và thích được những dòng trà "nhạt" (chẳng hạn như ôlong Cao Sơn), tức là có thể nói là gần như đã cải tạo xong. 

Vậy uống trà "nhạt" thì có gì vui? Uống trà đậm trà đắng chát cũng ngon mà? Cái này tôi sẽ nói kỹ hơn trong một bài khác. Ngắn gọn thì trà nhạt giúp cho người uống cảm nhận và thưởng thức được nhiều hương vị, sự cân bằng tương tác bổ sung cho nhau giữa chúng - những thứ mà một ngụm trà đắng chát chẳng bao giờ đem lại được.



Đấy là quá trình "cải tạo" vị giác của tôi. Bạn có thể khác, nhanh hơn hay chậm hơn tùy người (nhưng chắc chắn sẽ ko bị mò mẫm như tôi hồi đầu nữa nhỉ!). Một lời khuyên nho nhỏ là việc chăm uống nước trắng, uống thật chậm để cảm thấy nước trắng ngon, đặc biệt trước khi uống trà, cũng sẽ giúp rút ngắn được thời gian đáng kể. Nhưng nếu bạn đã quen chỉ uống trà đậm trà chát, quen với quan điểm "chặt to kho mặn", "đậm đà" mới ngon, mà lại muốn đột nhiên, mau chóng chỉ sau một hai lần uống đã thưởng được trà (nhạt) chỉ vì trà nổi tiếng, vì người pha (nghe đồn) giỏi, vì có ấm tử sa, vì quán hay chén đẹp thì mong bạn hãy từ bỏ ý định đó đi. Không có đường tắt như vậy đâu, mà sẽ là cả một quá trình lâu dài và ... chẳng gian khổ chút nào (nếu ko muốn nói là enlightening :D) 

Để rồi, sau "cải tạo" vị giác sẽ đến giai đoạn "đào tạo". Cũng giống như việc cảm nhận nghệ thuật, cảm nhận trà khi đi tới một mức nào đó cũng trở thành một thứ acquired taste, mà lại dễ học hơn nhiều so với nghệ thuật. Cứ uống nhiều, cởi mở và trân trọng, rồi sẽ tới lúc thực sự cảm được, chứ không còn nghĩ đoạn quote sau là big words, là nổ, là chém gió tung trời nữa. 

“The first cup moistens my lips and throat, the second cup breaks my loneliness, the third cup searches my barren entrail but to find therein some five thousand volumes of odd ideographs. The fourth cup raises a slight perspiration,—all the wrong of life passes away through my pores. At the fifth cup I am purified; the sixth cup calls me to the realms of the immortals. The seventh cup—ah, but I could take no more! I only feel the breath of cool wind that rises in my sleeves. Where is Horaisan? Let me ride on this sweet breeze and waft away thither.” Excerpt From: Kakuzo Okakura. “The Book of Tea.”