30.12.15

nhà ở quê hay một cái đẹp đang dần biến mất

Cuối năm chắc người ta dễ trở nên sentimental và hoài cổ? Cả ngày hôm nay tôi cứ nghĩ mãi về căn nhà ngày xưa của ông bà ngoại tôi ở quê. Đó là nơi tôi đã sống liên tục trong khoảng 2 năm (từ 3-5 tuổi). Mẹ mới có em bé, bố đi làm xa, tôi lại là cháu đầu của ông bà, nên được về quê sống những ngày đó có lẽ là một điều may mắn của tôi. Nhưng kí ức không còn giữ lại nhiều ngoài những buổi chiều ngóng trông mẹ.

Dù giữ lại nhiều hay ít, hiển nhiên đó vẫn là một nơi gắn bó với tôi từ trong tiềm thức. Cho nên điều dễ hiểu là khi gần đây bác cả ở quê phá căn nhà cũ, mảnh vườn cũ đó đi để xây trên đó một căn nhà thờ hoành tráng thì tôi hụt hẫng vô cùng. Cảm giác đó không như một cú shock ập tới ngay lập tức, mà nó từ từ ngấm vào mỗi lần về quê lễ tết hay dịp giỗ ông giỗ bà. Gian nhà to đẹp, bàn thờ bằng gỗ quí, chắc tốn rất nhiều công sức tiền của, chắc bác tôi thấy tự hào với dân làng lắm lắm, chắc ông bà ở suối vàng cũng rất mát lòng mát dạ trước sự hiếu thảo của con của cháu. Nhưng tôi vẫn hờ hững trước bức tường sơn mới, trước cái sân bóng loáng trơn trượt, trước cả cái sập gỗ to và cái bàn thờ đắt tiền. Tôi nghĩ, chắc là tôi còn níu kéo, còn hoài cổ hơn cả bậc cha chú của mình.

Gần đây đọc xong cuốn In praise of shadows của Tanizaki và đang đọc Wabi-sabi của Leonard Koren, tôi mới nhận ra rằng ngoài cái sự níu kéo và hoài cổ hiển nhiên đó, căn nhà cũ đấy còn có một giá trị văn hóa và vẻ đẹp tự thân của nó mà nhà mới không bao giờ có được.

Một căn nhà nhỏ có ba gian thông nhau ở giữa, cùng với hai gian biệt lập ở hai đầu, vách đất. Nhà được xây mới từ sau trận lụt lịch sử năm 7x nào đó nên cũng không quá thấp, mái được lợp bằng ngói. Nhà quay về hướng Nam. Trước mặt là một sân gạch nho nhỏ mà cứ chiều chiều ông bà lại quét lá, rồi đến hàng cau cũng nho nhỏ, cây có quả cây không. Bên phải sân ở đầu nhà là một cái giếng sâu hun hút rêu bám đầy. Tiếp theo sân là một cái vườn hình vuông có một cây nhãn, một cây mít, một cây hồng xiêm và một đống rơm cứ đầy lên vào mùa gặt và sau đó vơi dần đi; xen kẽ giữa chúng là những luống rau thơm. Lệch sang bên trái là lối đi cũng bằng gạch ra tới cổng. Còn ngoài cùng bên trái, ngay đầu nhà lại là một cây nhãn cổ thụ khác không biết có từ bao giờ, rồi tới dãy chuồng gà ở dưới, chuồng chim bồ câu ở trên, sau đấy lại là một cây cau và bể đựng nước mưa với gáo dừa múc nước, rồi tới cái nhà bếp đối diện với đống rơm, và cái chuồng lợn ở ngay cạnh cổng. Ra khỏi cổng ở bên kia đường là một cái cầu ao có bậc là những tảng đá được che bóng bởi bụi cây tre to đùng ở hai bên. Đi tiếp bên trái qua một mảnh vườn trồng chuối xen kẽ với cây sung, cây ổi sẽ tới một cái toilet cũ phủ ngập lá cây quay mặt ra vườn quay lưng xuống nước, ban ngày thì mát rượi chim kêu vượn hót líu lo, ban đêm thì côn trùng rít inh ỏi tối thui thui sợ chẳng dám bước chân tới.

Trong nhà là hai cái giường ở hai bên, bàn thờ ở giữa, ở trước bàn thờ là bộ bàn ghế cũ. Cửa gỗ nhưng chỉ đến đêm mới đóng, bên ngoài cửa là tấm mành đan bằng nứa che nắng che gió che mưa. Có ba cái mành thì chỉ có một cái ở bên trái được móc lên làm lối đi, còn lại hai cái lúc nào cũng hạ xuống. Do vậy nhà lúc nào cũng hơi tôi tối. Đến đêm, ngay cả khi có điện thì ông cũng chỉ bật có một cái bóng mờ mờ yếu yếu. Hồi đó tôi nghĩ chắc ông muốn tiết kiệm điện, và cũng có thể là như thế. Nhưng quả thật một căn nhà quê kiểu đó sẽ trở nên xấu xí nhợt nhạt vô cùng nếu dùng đèn tuýp bật cho sáng choang lên. Ngay dưới mái tranh gần cái móc có treo một dãy cây cảnh không biết giống gì được trồng trong những cái sọ dừa, trườn lên bám sát và ẩn vào dưới mái. Ai đi qua mà không để ý thì sẽ không nhìn thấy. Hai cái tủ nho nhỏ để hai đầu nhà một cái của ông một cái của bà. Cái đài không biết có từ khi nào, mỗi tối ông bật lên nghe trước khi ngủ. Tôi nằm cạnh ông nghe vẩn nghe vơ, nhìn những vết nứt trên vách đất bên cạnh mà liên tưởng tới ngọn núi, con sông, cái cây hay cả những con quái vật. Trên cột gỗ giữa nhà ở đầu giường cạnh bàn thờ ông có khắc ngày sinh của tôi và của những đứa cháu tiếp theo của ông. Mọi thứ trong nhà đều cũ, nhưng hand-made từ gỗ cây, tre nứa, đất nung; chúng đều gọn, và nhỏ, đến nỗi sau này lớn lên mỗi lần về thăm là một lần tôi lại thấy mình như bị thừa tay thừa chân, mỗi bữa ăn là bà lại trêu thằng cháu ngồi một mình hết nửa mâm cơm rồi lại thở dài không biết có còn sống tới ngày nó lấy vợ ...

Ông tôi chưa bao giờ nói với tôi về kiến trúc nhà, về lối sống, về cái đẹp. Tôi cũng không chắc ông có đọc, có xây dựng cho bản thân một quan điểm, một phong cách sống rõ ràng nào đó, hay là không. Nhưng tôi biết chắc ông sống như tự nhiên nó là thế - mộc mạc, đẹp và hòa với thiên nhiên, giống như bát canh ông làm đãi cháu, đựng vào chiếc bát sứ xanh còn nhỏ hơn bát ăn cơm bây giờ, nhưng thịt ba chỉ, chuối xanh, đậu rán với hành và lá tía tô hòa quyện với nhau trong đó, ăn vào một miếng mà như thấy cả vẻ đẹp của đất trời.  

Sau này khi ông bà mất đi, căn nhà bị bỏ hoang dù thỉnh thoảng vẫn được ông bà là em của ông, của bà ở nhà bên cạnh sang quét dọn thắp hương. Mỗi lần về quê tôi đều ghé về, tần ngần đứng đó rõ lâu, có khi cầm máy lên chụp có khi không. Lần nào tôi cũng bị hút vào - một cái gì như là sự trộn lẫn của kỉ niệm, của tình thương, với cái vẻ đẹp tịch mịch, hài hòa với thiên nhiên, như tan vào thời gian, không gian mà căn nhà đó đem lại. 

Lần gần nhất về ăn giỗ, bác kể chuyện rằng xóm này (xóm Đình, nơi danh giá nhất làng xưa nay) giờ toàn nhà bỏ trống. Các cụ mất đi, con cháu hoặc là "thoát ly" (đi làm ở xa), hoặc là chuyển hết ra ở ngoài đê rồi cụ nào còn thì cũng ra đó ở luôn với con với cháu. Những căn nhà ba gian mái ngói bị bỏ hoang, những sân gạch phủ đầy rêu, những mảnh vườn xơ xác chăng đầy mạng nhện. Thay vào đó người ta chen chúc chui vào những nhà tầng hình ống bê tông cốt thép sơn xanh sơn đỏ đặt san sát nhau quay ra mặt đường. 

Tôi tự hỏi liệu chúng ta có đã cầm vàng mà tự đánh mất nó không? Google "nhà cổ" thì toàn ra tin về những căn biệt thự Pháp cổ cần được phục hồi gìn giữ. Trong khi hàng ngàn những làng quê cũng bình thường như quê tôi với bao nhiêu căn nhà giản dị mà đẹp đến thế lại đang bị chính tay chúng ta, hoặc là phá đi, hoặc là bỏ mặc cho thời gian tàn phá. Còn lại chỉ là một kí ức nhạt nhòa chắc cũng sẽ phai dần theo năm tháng, về một buổi chiều bình thường ở một căn nhà nhỏ bé, với người ông mái tóc bạc phơ đang ngồi đan rổ đầu hè, với bà đang thong thả vừa quét sân vừa rải thóc cho gà cho chim ăn, với một thằng nhóc là tôi đang tha thẩn chơi góc vườn hay ra cổng ngóng mẹ.

23.12.15

in praise of shadows

Những ngày cuối năm, trong khi mọi người đang bận rộn với deadlines, với việc tổng kết hay thu hoạch thành quả một năm thì tôi lại không thể tập trung làm việc, hay nói đúng hơn là không getting things done, không being productive, no result, nothing. Như là sau một năm, hay sau một vài tháng chăm chỉ cần cù, thì đến hẹn lại lên, con người cứ ì ra, giống kiểu lười biếng hay trầm cảm mùa đông vậy.

Thay vào đó, tôi hay la cà quán xá, ngồi im ngắm đất trời chầm chậm chuyển mình và trôi đi trên phố. Ở nhà thì tôi cũng làm những thứ lặt vặt không tên, vứt đi vài thứ không cần thiết, dọn góc này, sửa góc kia, mỗi lúc một xíu. Cuốn Marie Kondo đó xuất hiện cũng đúng lúc, nên mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, trơn tru và tự nhiên, như là lẽ ra nó vốn như thế. Nhà cửa không bụp một cái thành thiên đường nhưng dần dần đã lean hơn, ngày qua ngày đã có cảm giác như có thể map ra trong đầu từng món đồ trong nhà, và có thể thì thầm, trân trọng từng món đồ đó. 

Cùng lúc đó, thân xác cũng như được gột rửa. Tôi không còn bị chìm ngập trong mớ bòng bong của những thứ không tên cùng với cảm giác chây ì trầm cảm nữa.

Vẫn chẳng làm gì cả. Đến office làm cho xong những việc tối thiểu nhất, đủ để duy trì cái gọi là "công việc", mau mau chóng chóng, để thời gian còn lại tôi vẫn "đi mây về gió" trong thế giới của mình. Thời gian như dừng lại trong tách trà nhiều dư vị, giữa ly cafe thơm chua đắng mỗi thứ chỉ một chút thôi, đủ hòa vào với nhau mà không cái nào lấn át cái nào cả. Không gian như tan vào bầu trời đùng đục như một bức ảnh tầng tầng lớp lớp các sắc xám đan xen mà không sensor máy ảnh nào lưu được. Rồi chúng như đang chuyển li ti từng bước từ màu xanh non của lá cây trên ngọn tới màu xanh đậm của lá cây phía dưới, rồi lại pha thêm tí đỏ ở rìa, lại ánh thêm tí vàng ở giữa. Một góc nhỏ với ba cây thôi mà như có cả vạn sắc xanh ghép lại với nhau mà không một màu vải, màu sơn nào có thể vẽ nổi. Nắng ánh lên một chút phớt trên đầu rồi tan đi để những làn sương lạnh ùa về rất nhanh trong một buổi chiều cuối năm ngồi đọc In Praise of Shadows giữa tiếng nước chảy róc rách.

Không phải là vô ích, hay trầm cảm. Tôi không _làm_ gì cả, nhưng có lẽ đấy là những "shadows" cần thiết để duy trì sự cân bằng trong cuộc sống của tôi. Sẽ chẳng có thành tựu gì đạt được, chẳng có đồng tiền nào được sinh ra và có lẽ cũng chẳng có ý tưởng khoa học đột phát nào được nhen nhúm. Cuộc sống lâu nay vẫn luôn được promote để chạy theo những giá trị như căn nhà, cái xe, địa vị, chức tước, đồng lương, những kỳ nghỉ, hay tiện nghi này nọ. Đó là những thứ trong suốt, bất biến, rõ ràng và rực rỡ kiểu phương Tây như Tanizaki đề cập tới, hay tôi gộp chung vào phần dương của cuộc sống. Nhưng, như là có dương thì phải có âm, cuộc sống và có lẽ là cả xã hội nữa, cũng cần có những thứ đùng đục, mờ ảo, dễ thay đổi khó nắm bắt và chìm trong bóng tối. Những shadows đó là cần thiết, quan trọng và hơn hết, chúng vẫn đẹp và vẫn đáng để đắm chìm, nhất là trong những ngày này, trong tiết trời này, và ở nơi chốn này, phải không nhỉ?