27.12.16

Mọi chuyện bắt đầu như thế nào?

Có một sự kì dị đối với người uống trà (tôi đó :D). Là dường như càng uống nhiều trà thì người ta ít muốn nói, ít muốn viết về trà, vì rằng, nói hay viết, thì chẳng thể đúng, chẳng thể đủ, chẳng thể tinh tế như trà được. Trạng thái tinh thần cũng sẽ trở nên tịch mịch, cô đơn (happily) hơn, không có nhu cầu chia sẻ nữa. Vậy nên chắc tôi phải tranh thủ viết, trước khi mình hết muốn kể về trà :))

Cỡ một năm về trước tôi đọc phải "The book of tea" (còn gọi là "Trà thư"?) của Okakura Kakuzo và đã bị cuốn theo rất nhanh và chìm trong trà suốt từ đó tới giờ. Nếu bạn đã đọc cuốn sách đó, đã yêu thích và đã xúc động vì nó, mà bạn vẫn không uống nổi trà thì tôi nghĩ bạn không cần phải cố làm gì nữa. 

Suốt chừng nửa năm, mỗi sáng, sau khi đánh răng rửa mặt, tôi đun ấm nước trên bếp gas, dọn dẹp bàn sạch sẽ, rồi ngồi xuống ngay ngắn, uống veo cái hết một bát matcha. Cả ngày còn lại không uống thêm trà gì nữa. Đến bây giờ, khi đã uống thêm nhiều loại trà khác, thì tôi vẫn duy trì thói quen đó mỗi khi có đủ matcha. Kể cũng xấu hổ, nửa năm trời uống matcha mà tôi không tìm hiểu chút gì về chanoyu và các thủ tục nghi lễ trong đó (giờ vẫn thế). Nhưng, mỗi sáng thức dậy, tôi luôn tin rằng mình đã đến với trà, ở trạng thái nguyên sơ nhất, trong trẻo và trân trọng nhất, có thể.

Đó là sự khởi đầu. Nhưng tiếp lửa lại là Hưng, một người bạn lâu năm. Nhờ có cậu ấy mà tôi đã quyết tâm mở rộng ra ngoài matcha, và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, nghiêm túc hơn về các loại trà, các cách pha trà khác nhau, qua sách vở, Internet, và thực nghiệm. Cám ơn nhiều! 

Một tháng trời đi nghỉ với gia đình tôi đã pha trà kiểu bấm giờ (western style) nhưng cũng thử nghiệm đủ trò, không có ấm chuyên dụng, chỉ với 2 lạng trà xanh Bạch Hạc đi đâu lấy nước ở đó. Tôi đã biết rằng chúng ta có thể thưởng được trà đơn giản như thế nào.

Giờ nhìn lại tôi cũng không hiểu sao mình có thể kiên trì tận 6 tháng chỉ uống mỗi matcha, kiên trì một tháng uống hoài một loại trà bình dân đến thế. Nhưng có lẽ đó cũng là một sự may mắn, vì cần có thời gian để cải tạo được vị giác bản thân, để từ từ xây dựng một nền móng vững chắc cho mối quan hệ đôi bên. Vì vậy, bây giờ và chắc là còn lâu về sau, dù có thể tôi sẽ uống trà (kiểu) Tàu nhiều hơn, nhưng tôi sẽ luôn mang theo người, những gì cốt lõi nhất, cơ bản nhất trong tinh thần trà đạo của Nhật. Và tất nhiên là cũng luôn dành một sự ưu ái rất lớn cho trà Việt nữa.

Còn giờ thì ...
"Meanwhile, let us have a sip of tea. The afternoon glow is brightening the bamboos, the fountains are bubbling with delight, the soughing of the pines is heard in our kettle. Let us dream of evanescence, and linger in the beautiful foolishness of things."

23.11.16

một buổi chiều cuối thu

Buổi chiều ở nhà ông bà. Trời chưa kịp lạnh, nắng chưa kịp tắt. Ngủ trưa rồi thức dậy được một lúc. Tôi chưa đi làm luôn như mọi khi mà nấn ná ở lại chờ thợ sửa tủ lạnh tới, còn bà thì tranh thủ thêu đợi đến giờ đón cháu.

Tiện tay cầm ổi lên ăn, hết miếng này đến miếng khác. Ổi ngon quá. Lâu rồi tôi mới được ăn quả ổi vừa miệng như vậy: thịt ổi giòn nhưng vẫn đặc, mẹ tôi gọt vỏ nhưng vẫn để lại chút vỏ xanh, vị tươi ngọt lại có lẫn tí chát và tí chua thanh thanh, lại còn có cả mùi thơm đặc trưng của những trái ổi nhỏ chín cây nữa chứ. Nhưng thơm cũng chỉ phảng phất thôi chứ không quá nồng.

- "Ổi mẹ lấy ở đâu mà ngon thế?"
- "Mẹ mua ngoài chợ thôi." Bà trả lời trong khi vẫn cắm cúi thêu.

Hóa ra đâu đó bày bán ở ngoài chợ vẫn còn những trái ổi như vậy. Miễn là người mua đi bộ đủ chậm, lựa đủ kỹ và đủ quen đủ tin với người bán nữa.


Hàng xóm có ai đang tập piano một bản nhạc đỏ quen thuộc mà nhất thời tôi chưa nhớ ra tên.

- "Mẹ thêu gì vậy?"
- "À, mẹ thêu cái tranh này để tặng anh Khánh sắp tới xong nhà mới." Bà vẫn không ngẩng đầu lên, chậm rãi thêu từng đường một. "Chữ Phú này mẹ để lại chưa thêu chữ 'P' vì bố chê nó xấu. Nhưng tự thêu không theo mẫu thì khó phết đấy."
- "Vâng."

À, "Bài ca hy vọng". Tiếng đàn vang lên nhỏ thôi, nhưng ở đây yên tĩnh nên nghe một lúc cũng ra được giai điệu. Ngay lúc này đây tôi chẳng thấy cần "hy vọng" cái gì hết. Tôi đã có đủ.

Một buổi chiều yên ả, nắng không chói chang, gió vẫn chưa về, nhâm nhi miếng ổi ngon, và nghe hơi thở người thân chầm chậm bên cạnh.

28.7.16

về quê

Tôi đang ngồi bên một cái bàn vuông, nhỏ, vừa đủ để hai người ngồi nói chuyện, uống trà, hoặc chẳng làm gì cả. Bên cạnh là một ấm, với trà xanh đem từ HN vào, và được pha bởi nước Hội An. Cả một gian phòng khách chẳng có gì ngoài cái bàn này, và nó được kê ở đúng góc đẹp nhất tiếp giáp với hai ô cửa sổ chiếm gần hết bức tường, nơi mà ai cũng có thể ngồi và dựa lưng ngắm trời ngắm mây vào ban ngày, và ngắm trăng ngắm sao vào ban đêm. Còn hôm nay thì chỉ đơn giản là nhìn cỏ cây ở dưới đất, nghe mưa, và hít thở :-) 



Trước kì nghỉ tôi cứ hóng suốt, và cuối cùng thì cả nhà cũng kéo nhau vào ở được cái villa này của ông ngoại. Mà ở tận hai lần, mỗi lần kéo dài 5-6 ngày :) Tranh thủ lúc khách thuê cũ dọn đi, khách mới chưa tới, cả nhà đang gần như không có đồ đạc gì cả. Về quê ở mà như là một giấc mơ minimalism trở thành hiện thực.

Hành trình "về quê" với riêng tôi thực sự được bắt đầu đâu đó cuối năm 2015. Khi tôi được đọc cuốn "In praise of shadows" để thấy rằng ngược với ánh sáng rực rỡ kia cũng còn cả một thế giới tưởng như chìm trong bóng tối nhưng thực ra cũng rất đáng để sống và khám phá. Để thấy rằng ngược với các giá trị văn minh đáng trân trọng và cần vươn tới của phương Tây kia thì ở đâu đó trong phương Đông vẫn còn thật nhiều điều thú vị cần được tìm lại và giữ gìn. Những điều đó có thể nằm ở một nơi thật là exotic như Nhật, mà cũng có thể nằm ở một số ngóc ngách của một xứ tưởng chừng như mù lòa, mục ruỗng và lai căng như Việt Nam.

Song hành cùng cuốn sách đó là quá trình minimalism / wabi sabi trong cả vật chất và tinh thần của bản thân, và việc từng bước quay trở lại với "thú" uống trà. Mấy cái này hóa ra lại có thể kết hợp với nhau, và bổ sung cho nhau rất tốt. Viết về chúng chắc sẽ mất nhiều giấy mực nên thôi, tôi cứ kể tiếp chuyện về quê nhỉ.

Chuyến về quê đầu tiên mà không phải quê chôn nhau cắt rốn của tôi là chuyến đi công tác ở Nhật 5 ngày. Thời gian ngắn, công việc nhiều, lại tới một nơi như Tokyo nhưng tôi không hề thấy bị ngợp, hay thấy mình cần phải "been there, done that". Về quê mà, người ta đâu cần phải chứng tỏ hay chạy theo một cái gì. Chỉ đơn giản là ăn được gì thì ăn, chơi được gì thì chơi, mua được gì thì mua, gặp ai được ai thì gặp, không thì cũng chẳng sao, chả vội vàng, chả tiếc nuối. Có chăng chỉ là một chút tìm về, một chút khẳng định lại, cho một cảm giác xa xưa mà gần gũi, vậy thôi :-)

Sau chuyến đi Nhật là kỳ nghỉ này: Đà Nẵng, Huế, Hội An. Cũng toàn là quê, dù ở nhiều góc độ và sắc thái khác nhau.

Đà Nẵng là một cảm giác hào sảng, phóng khoáng của một nơi được thiên nhiên ưu đãi với dãy núi cao, với bãi biển dài, với khí hậu tốt; của một thành phố đang là điển hình kinh tế, văn hóa của cả nước. 

Nếu Đà Nẵng là ánh sáng, thì qua phía bên kia đèo Hải Vân lại là bóng tối, là cố đô Huế không có những gì Đà Nẵng có, và có tất cả những gì Đà Nẵng không có. Không nói tới yếu tố "lịch sử" của cá nhân, thì chuyến đi này về Huế, dẫu chỉ có vỏn vẹn 4 ngày 3 đêm, sẽ vẫn là một lần "về quê" đối với tôi. Huế có lẽ là nơi ở VN mà có cảm giác gần với Nhật nhất, nhưng chuyến về quê này vẫn khác với lần đi Nhật. Đi Nhật cũng ít ngày, cũng bận rộn, nhưng vẫn là một cái gì đó bình yên đậm chất thiền. Cũng chạm vào bóng tối, tưởng như lạ lùng nhưng bóng tối thật êm dịu, bao bọc và lan tỏa. Còn đến Huế, tôi như bị hút vào một bóng tối thật sâu, vẫn gần gũi thân quen đấy, mà sao nhiều lúc thấy chơi vơi và da diết ... đi mãi không tới đáy. Có lẽ vì những bán bún bò, quen đấy, mà lại ngon? Vì ngọn rau bạc hà, ăn từ bé đấy, mà về đây cắn một miếng, mùi vị, chao ôi, bút nào tả xiết? Vì màu tím đẹp khó tả trong nắng của hoa súng? Vì những căn nhà cũ, có khi chắp vá, có khi có bình phong, cây cối che chắn, mà vẫn như muốn hút tôi vào? Vì thỉnh thoảng mỗi bước chân đi, mỗi khúc ngoặt trên đường, mỗi đoạn dốc là một loạt những dấu ấn thời gian? Vì dòng sông Hương ẩn mình giữa hai bờ cây xanh um tùm, lặng lẽ len lỏi giữa núi đồi, để rồi bất chợt hiện ra đẹp tê tái trong nắng chiều sắp tắt?


Nếu Đà Nẵng là ánh sáng, Huế là bóng tối thì Hội An là gì đây, đâu đó ở giữa chăng? Tôi không biết. Hội An không có cái vẻ hào sảng phóng khoáng của Đà Nẵng, cũng chẳng tỉ mỉ, tinh tế, thâm trầm như Huế. Nhưng Hội An có một sự pha trộn vừa đủ, của sự thân thiện, cởi mở và khéo léo trong cuộc sống cũng như trong công việc. Nó vừa đủ để khách cảm thấy được chào đón, nhưng không vồn vã quá mức để khách nghĩ mình là một con gà, cũng không quá sâu quá kín để khách cảm thấy xa lạ. Do vậy, tuy biển không bằng Đà Nẵng, di sản chẳng là gì nếu so với Huế, nhưng văn hóa sống mới là thứ khiến Hội An thu hút được nhiều khách đến du lịch. Cũng như là các món ở Hội An, miễn là có nguồn nước ngọt chất lượng cao, thì làm cái gì ăn cũng thấy ngon. Và đây cũng là nơi mình ở nhiều nhất trong thời gian qua, cho tới thời điểm này. Nhưng lý do chính vẫn là ở cái villa này :)

Cái villa này không ở gần biển cũng chẳng gần phố cổ. Nó nằm đúng chỗ uốn của sông Đế Võng, đủ xa hai chỗ kia để mà yên tĩnh, nhưng lại đi đâu cũng tiện. Đường tới biển An Bàng đi dọc theo tuyến đường đạp xe chạy qua những khúc sông với những bãi cỏ xanh mát có trâu tắm, thuyền chờ. Mỗi chiều đi biển về là lại ngắm hoài bầu trời vừa tắt nắng đang lặng lờ soi bóng trên mặt nước. Mới cách đây vài ngày lọ mọ tìm đường quanh nhà thì mới phát hiện ra bến sông gần nhà rất đẹp, có một dải cát đủ để kê bàn ghế uống trà, sáng ngắm bình minh (nếu dậy được sớm) và chiều ngắm hoàng hôn trong lúc thuyền nhà hàng xóm đi vào đi ra với những mẻ lưới buông trên sông. Bữa cơm có tôm tươi, lại thêm trứng tươi (cũng mua của hàng xóm), cùng với nước ngọt, thôi thì thơm ngon chẳng muốn nói nữa :P Dường như càng ở đây lâu thì "khám phá" thêm được nhiều thứ, và càng thấy nó giá trị thì phải?



Vậy mà ngày mai mình đã phải chia tay nó rồi. Rồi ông ngoại sẽ tìm được ai đó cho thuê vài năm, rồi cái villa này lại chất đầy đồ đạc đủ kiểu, rồi năm sau cả nhà sẽ lại phải chen chúc vô trong một cái khách sạn luxury gì đó vài ngày, với một căn phòng bóng bẩy vô hồn để rồi chạy sô ăn cho đủ, ngủ cho khỏe, bơi cho đã, để bù cho đủ số tiền bỏ ra. Nghĩ mà đã thấy xì-trét, chẳng thà cứ ở lại cái máng lợn Bắc Kỳ còn hơn ...


Mưa đã tạnh, không khí mát lạnh. Bước ra cửa nhìn lên trời lại thấy thật nhiều sao. Uống nốt ngụm trà ngọt còn sót lại rồi đi ngủ thôi nhỉ :)