6.9.14

Book challenge

Gần đây trên FB có cái book challenge. Không nhảm như cái ice bucket nên tôi cũng thử nghĩ xem có những cuốn sách nào có ảnh hưởng nhất.

Tôi đọc sách rất chập chờn. Có những khoảng thời gian đọc liên tục ngày đêm. Rồi lại cũng có những lúc chẳng đọc gì, cả vài tháng trời.  Đâm ra không có một cái thước đo universal để đánh giá xếp hạng cho mọi cuốn sách, mà có cái gì đó giống như là duyên phận. Nội dung, văn phong của sách nhiều khi không quan trọng bằng thời điểm đọc sách. Giống như những người con gái, vẻ đẹp và sự thông minh nhiều khi không bằng việc đến được với nhau - đúng nơi, đúng lúc.   

"Tuổi thơ dữ dội" - Phùng Quán. Một cuốn sách tôi đọc vào khi đang ở tuổi thơ (đâu đó những năm cuối cấp 1, đầu cấp 2), và nó đã giúp định hình tuổi thơ nhiều biến động (không dám nói là dữ dội, hì). Hay chính vì những biến động trong tuổi thơ đã khiến cho tác phẩm này đi thẳng vào tôi - hào hùng và khốc liệt.

"Thi nhân Việt Nam" - Hoài Thanh. Tôi đọc cuốn này vào những năm giữa và cuối đại học, khi mà không chỉ còn có học và chơi, mà đã bắt đầu chạm vào những góc cạnh của đời, thất vọng nhiều hơn hi vọng, giận dữ nhiều hơn hài lòng. Nhưng cuốn sách lại mở ra một cái nhìn tinh tế, bao dung, và rộng mở đối với cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng và cuộc sống nói chung.

"Thương nhớ mười hai" - Vũ Bằng. Đọc sau cuốn "Thi nhân Việt Nam", khi đang sống trong mối tình đầu, và những nỗi nhớ giữa hai miền Nam Bắc. Không cần phải nói thêm nữa nhỉ ;-)

"Nỗi buồn chiến tranh" - Bảo Ninh. Lại là vật vã đâu đó giữa những mối tình, chênh vênh giữa thời gian, khoảng cách và những gì thuộc về identity, xung đột, reborn, và trưởng thành. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi tôi đọc vèo phát xong cả cuốn chỉ trong một chuyến bay, và chìm đắm trong đó ... Có một cái post lâu lâu rồi về nó, giờ cũng coi như là gió, bay đi.

"Unbearable lightness of being" - Milan Kundera (đọc bản tiếng Anh nên để title như thế). Cũng lại bắt đầu đọc trên một chuyến bay ngắn, và kết thúc trong những ngày ở Prague. Giờ không còn nhớ nội dung nó như thế nào, nhưng cái "lightness" của nó thì quả là rất hợp với tôi những ngày tháng đó. 

"Crime and punishment" - Fyodor Dostoyevsky. Rất nhiều sự tương đồng trong suy nghĩ, cảm nhận, lối sống và cả những khi lên đồng với Raskolnikov. Tuy chưa phạm phải crime nghiêm trọng tới mức của chàng, nhưng sự vật lộn đó là rất thật và rất gần với tôi, đặc biệt là những năm ở bển.

"A song of ice and fire" - GRRM. Nếu không đọc bộ truyện này thì chắc tôi sẽ thay vào đó Harry Potter hoặc bộ truyện chưởng nào đó của Kim Dung. Rất tuyệt về tình tiết truyện, chiều sâu, sự đa dạng và thay đổi trong tính cách nhân vật. Chỉ dành cho những người đủ trưởng thành :-) Truyện đọc dễ nhưng văn phong có nhiều đoạn rất hay, trí tưởng tượng mạnh mẽ đến nao lòng.

"Catch-22" - Joseph Heller. Thật hiếm có truyện nào lại dở khóc dở cười trong cả nội dung truyện lẫn cả khi đọc như cuốn này. Đọc nhiều đoạn khoai quá, tra từ, vật lộn mãi mới hiểu. Văn phong củ chuối tức anh ách. Khi đã trôi được vào, thì bị cuốn ngay vào trong vòng xoáy của truyện. Vừa tức vừa buồn cười. Phi lý nhưng lại vô cùng hợp lý. Điên khùng nhất, vật vã nhất, nhưng cũng lại là nhân bản nhất. 

"1984" - George Orwell. Một tác phẩm nên đọc đối với bất cứ ai đã và đang sống trong thiên đường XHCN. Nó vừa nêu bật được bản chất, lại vừa mang tính tiên tri về xã hội mà chúng ta đang sống. Viết năm 194x, về một nơi vào năm 1984, thế nhưng đến giờ vẫn giữ nguyên giá trị ... Không chỉ thế, bên trong đó là một chuyện tình đẹp và buồn khôn xiết.

"Notes from the underground" - Fyodor Dostoyevsky. Nếu có thể vote cho những đoạn văn kinh điển nhất trong văn học thì tôi sẽ chọn tác phẩm này. Đoạn tự lảm nhảm của nhân vật chính phải nói là ... quỷ khốc thần sầu, vô tiền khoáng hậu. Vô cùng chuối, nhưng lại chính xác và hợp lí đến tận cùng! Oa oa ;-)

Thỉnh thoảng cũng có cuốn định cho vào nhưng thôi. Ví dụ như "Tâm lí học đám đông" - Le Bon, một cuốn non-fiction được đọc khi mới trở về sau 6 năm lưu lạc ở bển, đúng khi VN đang lên cơn cuồng buôn chứng và buôn bất động sản. Một tác phẩm hay, nhưng gì thì gì, nó không bao giờ để lại dấu ấn mạnh như fiction. Đọc non-fiction tôi giống như một người đang được chia sẻ, và cùng quan sát, trao đổi và kết luận cùng tác giả. Nhưng đọc fiction, tôi giống như hóa thân để sống cùng với truyện, với nhân vật - một trải nghiệm immense và intense mà non-fiction ko sánh được. Ngoài ra còn một số truyện tôi ước giá mà mình đọc sớm hơn thì có lẽ nó đã có ảnh hưởng lớn hơn, ví dụ như "Catcher in the rye" hay "The fountainhead". Và cả "Lord of the rings" nữa chứ, to read or not to read, and on which seventeens of mine?

13.4.14

thư giãn cuối tuần

Cuối tuần về nhà ông bà. Ăn tối xong cả nhà dắt díu nhau đi bộ ra ngoài phố rồi ghé quán cafe nghe nhạc. Cả nhà ở đây là bao gồm bố mẹ, hai thằng, và bà nội. Ngạc nhiên chưa! Từ Đền Lừ về nhà ông bà mà cứ như là từ núi quay về thành phố vậy, buồn cười nhỉ :-)

Ban ngày thì bước vài bước là xuống dưới sân. Trẻ con tha hồ chạy nhảy. Gặp ai cũng ít nhiều biết được là ở nhà ai. Sân của cả khu tập thể mà cũng có thể coi là của riêng từng nhà.

Ra ngoài ngõ là tới chợ, và tới rất nhiều hàng quán và các dịch vụ khác.

Bảo sao lúc nào về nhà ông bà cũng thích, cũng thoải mái. Đấy là còn chưa kể chừng ấy năm tôi sống ở đây ...

Đêm xuống, bọn trẻ ngủ. Mọi thứ trở nên yên tĩnh lạ thường. Ngõ cụt, đường cụt nên gần như không nghe được một chút nào tiếng xe cộ, tiếng rao đêm. Có chăng chỉ còn tiếng kim đồng hồ chạy, tích tắc tích tắc, từng tiếng, từng tiếng, rất nhỏ ...

8.4.14

những ngày đẹp trời

Mấy ngày này Hà Nội dịu dàng quá, dịu dàng đến siêu thực. Khiến người ta có thể chầm chậm lượn phố và nhấm nháp cafe cả ngày, quên đi bao nhiêu thứ bon chen và ngột ngạt của cuộc sống.

Buổi sáng trời mờ mờ vì mặt trời ngái ngủ chứ không đục vì khói bụi, không khí lành lạnh và khô chứ không dầm dề ẩm ướt. Đi đường chỉ phải mặc thêm chiếc áo khoác mỏng. Dựng xe, ghé vỉa hè, làm một ly cafe đen đá hay một chén trà nóng, và thong thả ngồi ngắm loa kèn đi qua phố. 

Đến trưa, nắng chỉ hửng lên một chút rồi ý tứ lánh đi trước khi người kịp thấy oi bức. Từ trong căn nhà cũ kiểu Pháp của một quán cafe trên phố nhìn qua cửa sổ ra ngoài là một cái cây non có thân thẳng và lá tỏa ra hai bên: rộng ở dưới và thu hẹp dần ở trên, nhìn như một cây thông. Khác ở chỗ là lá xanh nõn nà, chiếc nào ra chiếc nấy, dài và rộng. Nắng nghiêng trên những chiếc lá rồi phản chiếu lại với những góc khác nhau, khiến cả cái cây như tỏa sáng, vừa xanh mướt lại vừa vàng rực trên nền đằng sau là một bức tường cũ kĩ ẩm mốc. 

Buổi chiều, mọi thứ lại như quay ngược trở dần về buổi sáng. Trời tối dần, gió lạnh dần, mặt trời không thấy đâu mà chỉ còn sót lại vài vệt sáng lấp lánh phản chiếu trên mặt hồ. Ngồi cafe ở một quán ven hồ Tây mà nhìn ra thì sẽ thấy gần như mọi sắc độ xám trong khoảng không bao la chỉ có trời, mây và nước. Càng về chiều trời tối càng nhanh, nhìn kỹ thì sẽ cảm nhận được sự thay đổi tuy nhỏ nhưng liên tục trong bức tranh của những mức xám đó, mà không một máy ảnh hiện đại nào có thể ghi được.

Đêm xuống, ở nhà, chui trong phòng, đắp chiếc chăn nhẹ lên nửa dưới người. Quay sang con đang ngủ, giụi giụi vào nó, hít hít ngửi ngửi lấy mùi thơm nồng nàn và tan đi vào giấc ngủ khi nào không biết.

5.4.14

Bạn bè và thói quen

Tôi có một nhóm bạn, học cùng khóa hồi đại học, chơi chung với nhau trong một đội bóng, chinh chiến khắp nơi suốt 5 năm trời. Trong nhóm, đứa này đứa kia có thể có những mối quan hệ khác, ví dụ như học tiếng Anh cùng, làm đồ án cùng, kưa gái cùng, đi chơi (ngày đó chưa gọi là phượt) cùng, v.v. nhưng sự kết dính chính vẫn là các trận bóng. Con trai mà, chơi với nhau qua sở thích, nhất là thứ sở thích tập thể như bóng đá. Ra trường 5 năm, 10 năm, 15 năm. Dần dần những lần tụ tập ít đi, những trận bóng tính theo đơn vị từ vài giờ (hồi đang học), đến vài tháng và vài năm.

Bây giờ đá bóng thường xuyên chắc được một thằng. Còn lại, phần lớn đã chuyển sang chơi tennis, một thằng đạp xe. Tôi thì bơi. Ngay cả xem bóng đá với tôi giờ cũng chỉ còn là một phần rất nhỏ, lâu lâu xem một ít, mà phải là trận nào thật đinh, cả mùa được cỡ khoảng 5 trận trực tiếp, còn ít hơn cả xem tennis.

Mới hôm qua, hay là hôm kia, chả nhớ, một thằng đứng ra kêu gọi và hẹn cả đội bóng làm một trận vào cuối tuần này. Tôi gật đầu ngay, mừng lắm, vì nhiều khi cứ ráo lên là khi nào phải làm một trận, nhưng rồi chẳng có thằng nào take the initiative nên mãi rồi vẫn thế. Chẳng biết có đủ sức chạy được bao nhiêu. Who cares! Được gặp bạn cũ, được chơi với nhau, được chửi mắng nhau, vậy là sướng rồi!

Nhưng nghĩ tới màn nhậu nhẹt và karaoke sau đó thì tôi lại thấy ớn. Thói quen gặp mặt, vốn đã được xác lập từ rất lâu, là đá bóng rã rời, sau đó nhậu (uống bia) và chém gió tóe khói, tiếp theo sẽ là karaoke. Nhưng đó là thói quen, là sở thích của ngày xưa. Giờ tôi ngán màn uống bia đến quên trời đất, để rồi những thứ còn lại chỉ là một sự kéo dài thời gian (câu giờ) theo quán tính. Sao không thể đá xong thì nghỉ ngơi đâu đó, ăn một chút, uống một chút, để thời gian còn lại nói chuyện với nhau? Nhưng biết nói chuyện gì? Thực ra, nếu không trốn vào trong rượu bia và karaoke thì chẳng còn gì để nói. Thật không? 

Đá bóng là phụ, gặp nhau là chính. Nhưng gặp nhau xong rồi thì sao nữa nhỉ? 

Như hai lần họp lớp cấp 2 vừa rồi: gặp nhau thì vui, có nhiều chuyện để nói, để hỏi. Xin contact, chụp ảnh chung, rồi hẹn hò thật nhiều. Nhưng xong rồi thì ai nấy lại trở về với cuộc sống của mình, mà gần như không có sự thay đổi gì cả. Ở cùng nhau trong một thành phố nhỏ xíu như này, thật lạ làm sao mà con đường của chúng ta gần như chẳng bao giờ giao nhau ngoài những lần họp lớp?

Để rồi xem!


Mà sao tôi lắm chuyện thế. Just have some fun, that's all! Đúng là viết blog theo đơn đặt hàng (của chính tôi) có khác, câu kéo ghê!

27.3.14

một mình với đêm

Đi làm cả ngày mệt lả, trước khi về nhà ghé đi bơi một chầu rã rời. Vậy mà đêm xuống, con ngủ rồi sao tôi vẫn cứ nấn ná ngồi lại đây - dù chẳng biết, hay đúng hơn là chẳng muốn làm gì cả. Tôi thích ngồi một mình ở cái bàn này. Ngay trước mắt là mấy miếng bánh ... bánh gì đó vợ làm ăn ngầy ngậy mà không ngấy. Trà Ahmad mọi khi uống cũng được nhưng giờ thì thấy hơi nhạt, hay tại English breakfast chỉ thích hợp cho buổi sáng? Chắc là để lát nữa ngủ cho dễ, nhỉ.

Phía trên đầu là một bóng đèn nằm trong một cái chụp như cái nơm vậy, công suất nhỏ, ánh sáng vàng nên rất dịu. Không khí hơi mát mát nhưng không còn quá ẩm như thời gian vài tháng qua. Tất cả sẽ là lí tưởng nếu không có mấy con muỗi vo ve đốt chân. Tiên sư con muỗi! :P

Lọ hoa loa kèn chiếm gần nửa bàn bên phải. Lần này vợ mua vừa đủ và cắm khá cân đối chứ không tóe loe như mọi khi. Lúc tối có nói rằng hoa loa kèn có một cái vẻ gì rất riêng, gọi là majestic thì phải, ở đâu cũng thế, không quá rực rỡ nhưng không ai là không biết được sự có mặt của nó, dù là một chùm to đùng đặt giữa phòng hay chỉ một vài nhánh nhỏ đặt góc bàn. Hoa loa kèn chỉ nên cắm một mình chứ không nên pha trộn với những thứ khác, tất nhiên rồi :-)

Cả ngày gặp toàn người với người. Còn đêm về chẳng thấy người đâu, ngoài những tiếng rao đêm thỉnh thoảng vang lên - ví dụ như bánh khúc đây, bánh khúc nóng đây. Chỉ có côn trùng kêu rả rích liên tục tạo nên một bức phông âm thanh phủ lên tất cả. Đêm như là một người bạn thân thiết, xuất hiện rất đúng lúc để bao bọc, vỗ về. Sướng! Đâm ra mãi tôi chẳng chịu vào phòng ngủ và chẳng chịu nằm xuống đệm, mỉm cười với vợ với con đang say giấc, và rồi nhắm mắt chìm vào ... lén lút với đêm.

19.3.14

vật vã

Cuộc sống hàng ngày của mỗi người, dù consciously hay subconsciously, đều được duy trì nhờ sự cân bằng của nhiều yếu tố như ăn, ngủ, đụ, ị; hay lãng mạn hơn, cao cấp hơn là gia đình, công việc, thú vui, v.v. Ở bển, nhịp sống chỉ đơn giản là: tập trung làm việc (tối đa 5 ngày / 1 tuần, và tối đa 8h / 1 ngày), xong thì về nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt với gia đình. Cuối tuần cả nhà có thể đi dạo phố / outdoor / sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, đến những kỳ holiday và vacation (mỗi năm dăm bảy đợt) thì sẽ nhảy tót đi đâu đó thật xa để xả hơi, phè phỡn và trải nghiệm thế giới khác. Ăn uống không lo bẩn, mặc không lo đồ giả, ra đường không lo bị tai nạn giao thông, hít thở không lo đeo khẩu trang, con đi học bố mẹ không lo gì cả. Cuộc sống cứ trôi đi qua các mốc thời gian, các mốc giá trị gần như cố định như vậy. Có vẻ như là nhàm chán nhưng không hẳn, bởi vì, những cái mốc cố định đó giống như là các cái neo, cái cột, để con người, hay phần lớn con người, vẫn chỉ là con người mà chưa tới mức thần thánh, có thể yên tâm dựa vào, để tự do sáng tạo, hưởng thụ và làm giàu cho cuộc sống của họ, tất nhiên là cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Nhưng Việt Nam thì không được như vậy. (Đã về VN được bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn có nhưng cái reflection, comparison kiểu này - buồn cười nhỉ!) Dù không muốn nhưng rồi con người vẫn bị cuốn đi, quay cuồng giữa quá nhiều thứ.

Nghề giảng viên đại học phải nói là khá chủ động về cả thời gian và công việc so với phần lớn các nghề khác. Nhưng trong khi ở nước ngoài một giáo sư một năm dạy một hai môn, mỗi môn chỉ có một lớp, thì ở Việt Nam, mỗi người dạy khoảng 3-4 môn hoặc nhiều hơn, mỗi môn phải dạy 3-4 lớp hoặc nhiều hơn, mỗi lớp sĩ số trên dưới một trăm, còn chưa kể những hệ đào tạo khác (cao đẳng, tại chức, v.v.) Mà được như vậy là phải mừng, vì ít ra còn được dạy, còn có thêm tiền vượt giờ nọ kia (tuy còn xa mới gọi là đủ so với nhu cầu!), vì có bao nhiêu trường mở ra, ngành nghề đủ kiểu mà không có sinh viên. Nhưng cả một tuần cứ hết lớp này đến lớp khác, một bài giảng mà cứ bị bật băng tua đi tua lại mãi. Buổi sáng đi dạy, buổi trưa nhảy tót về nhà ông bà ăn vội vài bát cơm, làm một ngụm nước, rồi lại nhảy tót lên trường đứng lớp. Xong lớp này lại tới lớp kia, xong buổi này lại tới buổi khác, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Không còn thời gian, sức lực và cảm hứng để tự mình nghiên cứu khoa học hoặc để hướng dẫn sv theo đuổi những đề tài chuyên sâu. Tất nhiên, vẫn còn sự chủ động về thời gian và công việc của nghề, nhưng khi đạt tới một mức nào đó, ở một vị trí nào đó, thì trách nhiệm và sự ràng buộc lẫn nhau không cho phép người ta tuỳ ý lúc nào muốn rũ bỏ đi cũng được. Để cuối cùng sẽ lại buông xuôi, cho những lớp học, dự án, giáo trình, đề tài và sinh viên sai khiến. 

Cuộc sống gia đình còn phức tạp hơn. Không đơn giản chỉ là làm xong rồi về lại ngôi nhà ấm cúng, rồi ăn bữa tối ngon lành, rồi cả nhà quây quần sinh hoạt trong yêu thương, rồi sau đó đi ngủ và có những giấc mơ đẹp. Con cái ở tuổi này (và chắc tuổi nào cũng rứa) cần được bố mẹ dành cho thời gian, rất nhiều thời gian. Trẻ con không cần tiền, không cần ngay cả những thứ dễ gây nghiện như đồ chơi, đồ ăn, TV, quảng cáo, hoạt hình. Tất cả không bằng việc bố mẹ có thời gian để chơi, để sống với chúng. Mà thời gian lại là thứ mà bố mẹ dường như lúc nào cũng thiếu - nào là công việc chưa xong đem về nhà / làm tại nhà, nào là cơm nước giặt giũ quét dọn nhà cửa (giờ đã có oshin thay thế, may sao?), nào là những thú vui và những giấc mơ dang dở, nào là facebook, nào là ti tỉ những lo toan: rau thì lo kiếm chỗ nào mua cho sạch, lợn thì phải lo tìm mua ở quê nào, bò thì lo đắt, gà thì lo bị cúm H-mấy-N-mấy, nước uống thì lo đục ngầu toàn sắt và những thành phần độc hại khác, ra ngoài thì lo tai nạn giao thông lo không khí ô nhiễm bụi bặm ngột ngạt, đưa con tới trường thì lo ăn phải đồ ăn uống lởm lo cô giáo đánh đập hoặc bật TV suốt ngày, đi ngủ thì lo con cái ra quá nhiều mồ hôi rồi bị cảm lạnh, lo xăng lo điện lo nước liên tục tăng giá, lo thời tiết dở hơi gió chướng sương độc.  

Mà thời tiết dở hơi thật, trời nồm cứ dầm dề nhớp nháp mãi không biết khi nào mới hết. Người thì cả nhà - bố mẹ con cái - lũ lượt đau ốm, hết đợt này đến đợt khác. Sàn nhà đi lúc nào cũng dính dính, tường loang lổ, tủ sách mốc xanh hết cả. Lòng người cũng mốc meo, bố mẹ xì-trét muốn trốn đi đâu thật xa, con cũng xì-trét lúc nào cũng lăm lăm xỏ giày phi ra ngoài cửa. 

Túm lại là tất cả cứ xoắn tít, rối tung rối mù hết cả lên. Gọi là như sống trên roller coaster cũng chưa đủ. Vì roller coaster dù sao vẫn có đường đi cố định, còn ở Việt Nam, trong thời đại hỗn mang đầy những giả dối và những giá trị đảo lộn, thời đại của thánh thần tràn ngập bốn phương nhưng lại chẳng có cái neo nào cố định, con người chỉ như những hạt Brown chuyển động không phương hướng, không bến bờ.

Vậy thì lời giải nào đây? Các tác phẩm văn học, các bài hát, hay những bất kỳ những thứ motivational / inspiration shits khác sẽ thường khuyến khích người ta make a break, make an u turn or smt like that. Nào là bỏ tất cả mọi thứ đi vòng quanh thế giới một vài năm. Nào là sống một vài tháng một mình ở ... Tây Tạng, Bali hay vùng Florence nào đó. Hay gần hơn là bỏ việc đi xuyên Việt xuyên Đông Nam Á, blah blah blah. Rồi trong thời gian đó sẽ có điều gì đó exceptional xảy ra, để rồi, thật thần kỳ và may mắn, cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn. Rồi khi trở về với cuộc sống hàng ngày thì đột nhiên tất cả các vấn đề ngày xưa của họ biến mất, một lần và mãi mãi! 

Tôi thì không tin vào những thứ cổ tích thần tiên siêu anh hùng này nọ như vậy. Tôi tin vào nỗ lực của từng cá nhân, từng ngày từng thứ một - liên tục đi tìm và duy trì trạng thái cân bằng động, liên tục đưa ra những hiệu chỉnh nho nhỏ để ngày mai bớt gặp phải những cái khó chịu của ngày hôm nay, để tuần sau đỡ quay tít như tuần này, tối bớt phải ngồi ôm máy tự kỷ một góc lúc nửa đêm để thiếp đi vì quá mệt mà thay vào đó là ôm vợ ôm con đi ngủ với một nụ cười an lành trên môi. Ví dụ như hôm nay tôi cho sinh viên nghỉ một buổi, còn lát nữa về tôi sẽ mua vài lon bia tặng mình và một bó hoa tặng vợ, nhỉ ;-) Quên chưa kể là một việc quan trọng không kém là sáng nay đã cho thằng lớn về nhà ông bà rồi, phù phù. Còn xa hơn, cuối tuần sau, hay cuối tuần sau nữa, chúng tôi sẽ dắt díu nhau đi chơi, Mai Châu nhỉ? Vé máy bay đi nghỉ hè, tất nhiên, cũng vừa mới mua xong. 

11.3.14

Why cafe not just on friday?

- Tại sao lại là fridaycafe?
- Vì lịch sử nó như thế :-) Một cái nickname gắn liền với những ngày tháng (đã không còn gần nữa) của chụp ảnh, chụp ảnh và chụp ảnh. Tên miền fridaycafe.com vẫn còn, tôi chẳng biết là sẽ duy trì nó đến khi nào.

- Tại sao lại "cafe not just on friday"?
- Nghĩa đen: Mặc dù ngày xưa tôi rất ít dùng cafe, kể cả hồi ở bển, nhưng giờ thì ngày nào tôi cũng phải làm một choác vào buổi sáng. Không có là y rằng vài tiếng sau tôi sẽ lờ đờ vật vã, không đủ tập trung để làm bất cứ việc gì được. Vẫn biết nghiện như thế là không tốt nhưng không như vậy thì khó có thể chạy kịp với nhịp độ công việc và cuộc sống hiện nay. Còn nghĩa bóng, giữa một xã hội luôn hối hả, hỗn loạn, nhiễu nhương với giá trị đảo lộn như ở VN bây giờ, với tôi, không gì cần hơn là giữ được một cái đầu, một lối sống trong "tỉnh thức"; và để "thức" được thì còn gì tốt hơn "cafe", nhỉ :P

- Tại sao lại bắt đầu viết lại blog? Tại sao x tại sao y tại sao z?
- Vì tôi thích thế! :D (và rút kinh nghiệm, không hứa hẹn không resolution này nọ nữa!)

Happy blogging!