6.9.14

Book challenge

Gần đây trên FB có cái book challenge. Không nhảm như cái ice bucket nên tôi cũng thử nghĩ xem có những cuốn sách nào có ảnh hưởng nhất.

Tôi đọc sách rất chập chờn. Có những khoảng thời gian đọc liên tục ngày đêm. Rồi lại cũng có những lúc chẳng đọc gì, cả vài tháng trời.  Đâm ra không có một cái thước đo universal để đánh giá xếp hạng cho mọi cuốn sách, mà có cái gì đó giống như là duyên phận. Nội dung, văn phong của sách nhiều khi không quan trọng bằng thời điểm đọc sách. Giống như những người con gái, vẻ đẹp và sự thông minh nhiều khi không bằng việc đến được với nhau - đúng nơi, đúng lúc.   

"Tuổi thơ dữ dội" - Phùng Quán. Một cuốn sách tôi đọc vào khi đang ở tuổi thơ (đâu đó những năm cuối cấp 1, đầu cấp 2), và nó đã giúp định hình tuổi thơ nhiều biến động (không dám nói là dữ dội, hì). Hay chính vì những biến động trong tuổi thơ đã khiến cho tác phẩm này đi thẳng vào tôi - hào hùng và khốc liệt.

"Thi nhân Việt Nam" - Hoài Thanh. Tôi đọc cuốn này vào những năm giữa và cuối đại học, khi mà không chỉ còn có học và chơi, mà đã bắt đầu chạm vào những góc cạnh của đời, thất vọng nhiều hơn hi vọng, giận dữ nhiều hơn hài lòng. Nhưng cuốn sách lại mở ra một cái nhìn tinh tế, bao dung, và rộng mở đối với cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng và cuộc sống nói chung.

"Thương nhớ mười hai" - Vũ Bằng. Đọc sau cuốn "Thi nhân Việt Nam", khi đang sống trong mối tình đầu, và những nỗi nhớ giữa hai miền Nam Bắc. Không cần phải nói thêm nữa nhỉ ;-)

"Nỗi buồn chiến tranh" - Bảo Ninh. Lại là vật vã đâu đó giữa những mối tình, chênh vênh giữa thời gian, khoảng cách và những gì thuộc về identity, xung đột, reborn, và trưởng thành. Do vậy không có gì ngạc nhiên khi tôi đọc vèo phát xong cả cuốn chỉ trong một chuyến bay, và chìm đắm trong đó ... Có một cái post lâu lâu rồi về nó, giờ cũng coi như là gió, bay đi.

"Unbearable lightness of being" - Milan Kundera (đọc bản tiếng Anh nên để title như thế). Cũng lại bắt đầu đọc trên một chuyến bay ngắn, và kết thúc trong những ngày ở Prague. Giờ không còn nhớ nội dung nó như thế nào, nhưng cái "lightness" của nó thì quả là rất hợp với tôi những ngày tháng đó. 

"Crime and punishment" - Fyodor Dostoyevsky. Rất nhiều sự tương đồng trong suy nghĩ, cảm nhận, lối sống và cả những khi lên đồng với Raskolnikov. Tuy chưa phạm phải crime nghiêm trọng tới mức của chàng, nhưng sự vật lộn đó là rất thật và rất gần với tôi, đặc biệt là những năm ở bển.

"A song of ice and fire" - GRRM. Nếu không đọc bộ truyện này thì chắc tôi sẽ thay vào đó Harry Potter hoặc bộ truyện chưởng nào đó của Kim Dung. Rất tuyệt về tình tiết truyện, chiều sâu, sự đa dạng và thay đổi trong tính cách nhân vật. Chỉ dành cho những người đủ trưởng thành :-) Truyện đọc dễ nhưng văn phong có nhiều đoạn rất hay, trí tưởng tượng mạnh mẽ đến nao lòng.

"Catch-22" - Joseph Heller. Thật hiếm có truyện nào lại dở khóc dở cười trong cả nội dung truyện lẫn cả khi đọc như cuốn này. Đọc nhiều đoạn khoai quá, tra từ, vật lộn mãi mới hiểu. Văn phong củ chuối tức anh ách. Khi đã trôi được vào, thì bị cuốn ngay vào trong vòng xoáy của truyện. Vừa tức vừa buồn cười. Phi lý nhưng lại vô cùng hợp lý. Điên khùng nhất, vật vã nhất, nhưng cũng lại là nhân bản nhất. 

"1984" - George Orwell. Một tác phẩm nên đọc đối với bất cứ ai đã và đang sống trong thiên đường XHCN. Nó vừa nêu bật được bản chất, lại vừa mang tính tiên tri về xã hội mà chúng ta đang sống. Viết năm 194x, về một nơi vào năm 1984, thế nhưng đến giờ vẫn giữ nguyên giá trị ... Không chỉ thế, bên trong đó là một chuyện tình đẹp và buồn khôn xiết.

"Notes from the underground" - Fyodor Dostoyevsky. Nếu có thể vote cho những đoạn văn kinh điển nhất trong văn học thì tôi sẽ chọn tác phẩm này. Đoạn tự lảm nhảm của nhân vật chính phải nói là ... quỷ khốc thần sầu, vô tiền khoáng hậu. Vô cùng chuối, nhưng lại chính xác và hợp lí đến tận cùng! Oa oa ;-)

Thỉnh thoảng cũng có cuốn định cho vào nhưng thôi. Ví dụ như "Tâm lí học đám đông" - Le Bon, một cuốn non-fiction được đọc khi mới trở về sau 6 năm lưu lạc ở bển, đúng khi VN đang lên cơn cuồng buôn chứng và buôn bất động sản. Một tác phẩm hay, nhưng gì thì gì, nó không bao giờ để lại dấu ấn mạnh như fiction. Đọc non-fiction tôi giống như một người đang được chia sẻ, và cùng quan sát, trao đổi và kết luận cùng tác giả. Nhưng đọc fiction, tôi giống như hóa thân để sống cùng với truyện, với nhân vật - một trải nghiệm immense và intense mà non-fiction ko sánh được. Ngoài ra còn một số truyện tôi ước giá mà mình đọc sớm hơn thì có lẽ nó đã có ảnh hưởng lớn hơn, ví dụ như "Catcher in the rye" hay "The fountainhead". Và cả "Lord of the rings" nữa chứ, to read or not to read, and on which seventeens of mine?