19.3.14

vật vã

Cuộc sống hàng ngày của mỗi người, dù consciously hay subconsciously, đều được duy trì nhờ sự cân bằng của nhiều yếu tố như ăn, ngủ, đụ, ị; hay lãng mạn hơn, cao cấp hơn là gia đình, công việc, thú vui, v.v. Ở bển, nhịp sống chỉ đơn giản là: tập trung làm việc (tối đa 5 ngày / 1 tuần, và tối đa 8h / 1 ngày), xong thì về nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt với gia đình. Cuối tuần cả nhà có thể đi dạo phố / outdoor / sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, đến những kỳ holiday và vacation (mỗi năm dăm bảy đợt) thì sẽ nhảy tót đi đâu đó thật xa để xả hơi, phè phỡn và trải nghiệm thế giới khác. Ăn uống không lo bẩn, mặc không lo đồ giả, ra đường không lo bị tai nạn giao thông, hít thở không lo đeo khẩu trang, con đi học bố mẹ không lo gì cả. Cuộc sống cứ trôi đi qua các mốc thời gian, các mốc giá trị gần như cố định như vậy. Có vẻ như là nhàm chán nhưng không hẳn, bởi vì, những cái mốc cố định đó giống như là các cái neo, cái cột, để con người, hay phần lớn con người, vẫn chỉ là con người mà chưa tới mức thần thánh, có thể yên tâm dựa vào, để tự do sáng tạo, hưởng thụ và làm giàu cho cuộc sống của họ, tất nhiên là cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Nhưng Việt Nam thì không được như vậy. (Đã về VN được bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn có nhưng cái reflection, comparison kiểu này - buồn cười nhỉ!) Dù không muốn nhưng rồi con người vẫn bị cuốn đi, quay cuồng giữa quá nhiều thứ.

Nghề giảng viên đại học phải nói là khá chủ động về cả thời gian và công việc so với phần lớn các nghề khác. Nhưng trong khi ở nước ngoài một giáo sư một năm dạy một hai môn, mỗi môn chỉ có một lớp, thì ở Việt Nam, mỗi người dạy khoảng 3-4 môn hoặc nhiều hơn, mỗi môn phải dạy 3-4 lớp hoặc nhiều hơn, mỗi lớp sĩ số trên dưới một trăm, còn chưa kể những hệ đào tạo khác (cao đẳng, tại chức, v.v.) Mà được như vậy là phải mừng, vì ít ra còn được dạy, còn có thêm tiền vượt giờ nọ kia (tuy còn xa mới gọi là đủ so với nhu cầu!), vì có bao nhiêu trường mở ra, ngành nghề đủ kiểu mà không có sinh viên. Nhưng cả một tuần cứ hết lớp này đến lớp khác, một bài giảng mà cứ bị bật băng tua đi tua lại mãi. Buổi sáng đi dạy, buổi trưa nhảy tót về nhà ông bà ăn vội vài bát cơm, làm một ngụm nước, rồi lại nhảy tót lên trường đứng lớp. Xong lớp này lại tới lớp kia, xong buổi này lại tới buổi khác, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Không còn thời gian, sức lực và cảm hứng để tự mình nghiên cứu khoa học hoặc để hướng dẫn sv theo đuổi những đề tài chuyên sâu. Tất nhiên, vẫn còn sự chủ động về thời gian và công việc của nghề, nhưng khi đạt tới một mức nào đó, ở một vị trí nào đó, thì trách nhiệm và sự ràng buộc lẫn nhau không cho phép người ta tuỳ ý lúc nào muốn rũ bỏ đi cũng được. Để cuối cùng sẽ lại buông xuôi, cho những lớp học, dự án, giáo trình, đề tài và sinh viên sai khiến. 

Cuộc sống gia đình còn phức tạp hơn. Không đơn giản chỉ là làm xong rồi về lại ngôi nhà ấm cúng, rồi ăn bữa tối ngon lành, rồi cả nhà quây quần sinh hoạt trong yêu thương, rồi sau đó đi ngủ và có những giấc mơ đẹp. Con cái ở tuổi này (và chắc tuổi nào cũng rứa) cần được bố mẹ dành cho thời gian, rất nhiều thời gian. Trẻ con không cần tiền, không cần ngay cả những thứ dễ gây nghiện như đồ chơi, đồ ăn, TV, quảng cáo, hoạt hình. Tất cả không bằng việc bố mẹ có thời gian để chơi, để sống với chúng. Mà thời gian lại là thứ mà bố mẹ dường như lúc nào cũng thiếu - nào là công việc chưa xong đem về nhà / làm tại nhà, nào là cơm nước giặt giũ quét dọn nhà cửa (giờ đã có oshin thay thế, may sao?), nào là những thú vui và những giấc mơ dang dở, nào là facebook, nào là ti tỉ những lo toan: rau thì lo kiếm chỗ nào mua cho sạch, lợn thì phải lo tìm mua ở quê nào, bò thì lo đắt, gà thì lo bị cúm H-mấy-N-mấy, nước uống thì lo đục ngầu toàn sắt và những thành phần độc hại khác, ra ngoài thì lo tai nạn giao thông lo không khí ô nhiễm bụi bặm ngột ngạt, đưa con tới trường thì lo ăn phải đồ ăn uống lởm lo cô giáo đánh đập hoặc bật TV suốt ngày, đi ngủ thì lo con cái ra quá nhiều mồ hôi rồi bị cảm lạnh, lo xăng lo điện lo nước liên tục tăng giá, lo thời tiết dở hơi gió chướng sương độc.  

Mà thời tiết dở hơi thật, trời nồm cứ dầm dề nhớp nháp mãi không biết khi nào mới hết. Người thì cả nhà - bố mẹ con cái - lũ lượt đau ốm, hết đợt này đến đợt khác. Sàn nhà đi lúc nào cũng dính dính, tường loang lổ, tủ sách mốc xanh hết cả. Lòng người cũng mốc meo, bố mẹ xì-trét muốn trốn đi đâu thật xa, con cũng xì-trét lúc nào cũng lăm lăm xỏ giày phi ra ngoài cửa. 

Túm lại là tất cả cứ xoắn tít, rối tung rối mù hết cả lên. Gọi là như sống trên roller coaster cũng chưa đủ. Vì roller coaster dù sao vẫn có đường đi cố định, còn ở Việt Nam, trong thời đại hỗn mang đầy những giả dối và những giá trị đảo lộn, thời đại của thánh thần tràn ngập bốn phương nhưng lại chẳng có cái neo nào cố định, con người chỉ như những hạt Brown chuyển động không phương hướng, không bến bờ.

Vậy thì lời giải nào đây? Các tác phẩm văn học, các bài hát, hay những bất kỳ những thứ motivational / inspiration shits khác sẽ thường khuyến khích người ta make a break, make an u turn or smt like that. Nào là bỏ tất cả mọi thứ đi vòng quanh thế giới một vài năm. Nào là sống một vài tháng một mình ở ... Tây Tạng, Bali hay vùng Florence nào đó. Hay gần hơn là bỏ việc đi xuyên Việt xuyên Đông Nam Á, blah blah blah. Rồi trong thời gian đó sẽ có điều gì đó exceptional xảy ra, để rồi, thật thần kỳ và may mắn, cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn. Rồi khi trở về với cuộc sống hàng ngày thì đột nhiên tất cả các vấn đề ngày xưa của họ biến mất, một lần và mãi mãi! 

Tôi thì không tin vào những thứ cổ tích thần tiên siêu anh hùng này nọ như vậy. Tôi tin vào nỗ lực của từng cá nhân, từng ngày từng thứ một - liên tục đi tìm và duy trì trạng thái cân bằng động, liên tục đưa ra những hiệu chỉnh nho nhỏ để ngày mai bớt gặp phải những cái khó chịu của ngày hôm nay, để tuần sau đỡ quay tít như tuần này, tối bớt phải ngồi ôm máy tự kỷ một góc lúc nửa đêm để thiếp đi vì quá mệt mà thay vào đó là ôm vợ ôm con đi ngủ với một nụ cười an lành trên môi. Ví dụ như hôm nay tôi cho sinh viên nghỉ một buổi, còn lát nữa về tôi sẽ mua vài lon bia tặng mình và một bó hoa tặng vợ, nhỉ ;-) Quên chưa kể là một việc quan trọng không kém là sáng nay đã cho thằng lớn về nhà ông bà rồi, phù phù. Còn xa hơn, cuối tuần sau, hay cuối tuần sau nữa, chúng tôi sẽ dắt díu nhau đi chơi, Mai Châu nhỉ? Vé máy bay đi nghỉ hè, tất nhiên, cũng vừa mới mua xong.